Đăng nhập
Đăng ký
GIỎ HÀNG CỦA BẠN
Có: 0 sản phẩm
Tổng giá trị: VNĐ
Thiên nhiên kỳ thú trong gỗ lũa
Thiên nhiên kỳ thú trong gỗ lũa
(Dogo24h.vn) - Gỗ lũa mang nét đẹp đặc trưng của tạo hóa với những dáng, thế có một không hai, độc đáo và phiêu lãng.

Gỗ lũa đã không chỉ thu phục trái tim của những người biết yêu nghệ thuật và cái đẹp, mà còn trở thành một trong những thú chơi không thể thiếu tại đất Hà thành. Gỗ lũa, ngày càng trở thành niềm đam mê của nhiều người, nhất là giới doanh nhân...

 

Đẹp bởi… phong hóa



Nhìn những tác phẩm bằng gỗ mang đủ loại tư thế, từ hình dáng con rồng, con hổ đầy oai linh, kiêu hãnh cho đến cảnh núi non thủy mặc kỳ vỹ và trữ tình, chẳng ai có thể ngờ đây vốn là những gốc cây khô nằm trong rừng hoặc nằm sâu dưới đất hàng nghìn năm, được con người khai thác. 

Trải qua sự phong hóa của tự nhiên (do nước, nhiệt độ, côn trùng ăn hết tất cả những phần rác, phần mềm khiến cây chỉ còn trơ lại những phần cứng, cốt lõi và tạo thành nhiều hang hốc trên thân); sự chau truốt từ bàn tay người nghệ nhân tác động vào, những gốc cây này đã mất đi sự vô tri vô giác và trở thành những tác phẩm nghệ thuật diệu kỳ, song hành cùng thời gian.

Anh Lê Thanh Đại, chủ một DN nổi tiếng về gỗ lũa ở đường Hoàng Hoa Thám - người được mệnh danh “vua gỗ lũa” Hà Thành cho biết: “Chúng tôi luôn tôn trọng tính nguyên bản của gỗ lũa, tránh can thiệp nhiều vào những phần do thiên nhiên tạo nên. Nếu có chế tác trên gỗ lũa thì cũng chủ yếu chỉ là bớt đi, thêm vào rất ít, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Chẳng hạn như khi làm cái bàn, ít nhất phải có 3 chân mới đứng được, nhưng bản thân miếng gỗ lũa chỉ có 2 chân là chắc còn 1 chân thấp hơn, không vững thì chúng tôi phải cấy thêm vào cho đủ thành 3 chân để tạo thế cho vững. Phần thêm vào vẫn chất liệu gỗ đó và phải cấy làm sao để người ta không phát hiện ra là mình cấy ghép. Đó cũng là một trong những nghệ thuật để làm gỗ lũa. Gỗ lũa phần lớn là trừu tượng - sự trừu tượng phải chấp nhận được, trừu tượng mà ngộ nhận thì không được. Người nghệ nhân và người chủ DN phải có ý tưởng, hướng dẫn và chỉ đạo cho thợ làm theo ý tưởng của mình”.

Bản thân anh Đại là một thương binh - nhà giáo. Chỉ vì đam mê thú chơi này, anh đã xin nghỉ dạy, suốt bao năm qua, bỏ công sức sưu tầm những tác phẩm gỗ lũa không biết mỏi mệt, không ngại tốn tiền bạc, công sức. Niềm đam mê cháy bỏng của anh với những tác phẩm tinh xảo bằng gỗ lũa - khiến ai trong giới chơi gỗ lũa cũng đều biết tiếng.

Anh Đại tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã thích nghệ thuật. Tôi cho rằng, những người thích cái đẹp, thích nghệ thuật thì trước sản phẩm hoàn toàn của tự nhiên, của tạo hóa như gỗ lũa đây, sẽ không ai có thể bỏ qua được. Tôi chơi gỗ lũa đã được hơn 20 năm nay, say sưa lắm, quên ăn quên ngủ, thậm chí nhiều lúc nói vui với bạn bè “nó khiến mình quên cả… vợ con!”. Thời gian đầu, tôi trực tiếp đi sưu tầm rất nhiều, lên rừng, lội suối trèo đèo là chuyện thường. Nhiều khi không có tiền tôi phải đi vay, có đồng nào trong túi bỏ ra mua hết. Có những tác phẩm gỗ lũa, chỉ có 1 mà không có 2, nếu bỏ qua không mua thì sẽ mất, người khác mua ngay nên nhiều khi cứ phải cố mà mua. Trước đây, tôi không nghĩ là mình kinh doanh nghề này và không có ý định bán dù nhiều người hỏi mua, nhưng rồi bán lúc nào không hay. Có lẽ bởi do nhu cầu trao đổi, mình có 1 chủng loại nào đó, giờ muốn sưu tầm thêm chủng loại khác thì phải đổi hoặc phải bán để lấy tiền quay vòng mới thực hiện được. Mỗi tác phẩm gỗ lũa mình tạo ra - thường độc nhất vô nhị, không có cái thứ 2 nên mỗi lần bán đi thấy tiếc lắm, có khi ngẩn ngơ hàng tuần”.

Nhà anh Đại trưng bày nhiều tác phẩm gỗ lũa, trong đó có “con rồng hình chữ S” với thế gồng mình xuống rất tuyệt, tựa như đang thăng. Con rồng cao hơn 2 m, có giá hàng trăm triệu đồng, rất nhiều người đã hỏi mua nhưng anh không bán…



Thỏa mãn tinh thần


Hoàn toàn do tự nhiên tạo thành nên những tác phẩm gỗ lũa đều là những loại gỗ rất tốt mới có thể trải qua được sự tác động, biến đổi liên tục của  trời đất. Có những cây gỗ nằm hàng mấy trăm năm dưới lòng đất, hay bên bờ suối nhưng không bị mục ruỗng và bị nước bào mòn là vì thế.

“Đây là thú chơi - đòi hỏi người chơi phải có tâm hồn và con mắt nghệ thuật mới có thể nhận biết được những tác phẩm gần như trừu tượng do chính thiên nhiên tạo nên. Nó mang những vẻ đẹp của thiên nhiên để phục vụ đời sống tinh thần con người. Phải yêu, phải có cảm xúc thì mới sưu tầm và chơi gỗ lũa được” - anh Đại tâm đắc.

Ang bảo, cái thú chơi này với người không thích thì coi nó là củi, nhưng với người đã mê thì nó lại là vàng. Những người say mê gỗ lũa thường có một triết lý riêng, coi nó là “kỳ mộc”, là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết vì chất của gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay ảnh hưởng mưa nắng. Lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió.

Theo anh Đại, có những thân gỗ lũa to bằng 2 chiếc ô tô, nằm sâu trong rừng mà không có đường vào. Người khai thác muốn vận chuyển về, đến nơi xử lý hay sử dụng thì phải thuê máy ủi làm thành con đường mới đưa được gốc cây ra vì trên rừng cây cối chằng chịt, gốc cây vừa nặng vừa cồng kềnh, không thể khênh được. Nếu không yêu và say, chắc khó theo đuổi.
Chơi gỗ lũa thường có 2 trường phái. Trường phái thứ nhất là giữ nguyên tác phẩm thiên nhiên, mang về rửa sạch, chỉ cắt bỏ những phần thừa đi; trường phái thứ 2 là điêu khắc trên gỗ lũa, tức là dùng bàn tay con người điêu khắc tạo thành những hình tượng cụ thể, có ý nghĩa cụ thể trên gỗ lũa.  

Hiện tại, người chơi đang chuộng những loại gỗ lũa có mùi thơm, mùi hương nhẹ nhàng như gụ hương, long não, hoàng đàn…, để trong nhà tỏa ra mùi hương ngây ngất làm cho gia đình mang không khí ấm cúng, nhưng cái quý nhất là nó kỵ gió độc và làm tan gió độc. Như vậy, bản thân những gỗ lũa này vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa như phương thuốc trị bệnh, quý vô cùng.

Thú chơi gỗ lũa - đòi hỏi người chơi phải có tiềm lực kinh tế và không gian trưng bày, bởi có những tác phẩm gỗ lũa hình thành từ những rễ cây rất to, xòe rộng như đuôi con công nên cần phải có một không gian lớn, có sân, có vườn, có diện tích rộng. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm nho nhỏ xinh xinh có thể bày trên bàn nước hay trong tủ kính…  “Con người rất tài giỏi, có thể tạo ra rất nhiều vật dụng siêu phàm, nhưng chúng được sản xuất hàng loạt và giống hệt nhau. Riêng vẻ đẹp gỗ lũa thì không bao giờ lặp lại. Nó được ví như trầm hương vì giá trị vô giá của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn khôn lường”, anh Đại chia sẻ.

 

Người chịu trách nhiệm: Bùi Mạnh Tuấn
Địa chỉ: Số 3 ngõ 210 Đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Điện Thoại: 02435627539.
Di Động: 0903559866. 0967559866. 0917559866.
Email: dogo24h@gmail.com
Số ĐKKD: 01E8018324/ UBND Quận Đống Đa cấp. Mã Số Thuế: 8357955391
Thời gian làm việc sáng: 8h00 - 13h, chiều: 14h - 20h. Tất cả các ngày trong tuần
(Bản đồ chỉ dẫn)