(Dogo24h.vn) - Với kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong nước đạt 3,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2015 sẽ là năm “được mùa” của ngành này. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần phải xây dựng cho mình những bước đi phù hợp.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Quang – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, Thành viên đoàn khảo sát nhu cầu thông tin FLEGT-VPA các doanh nghiệp gỗ xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới?
So với các ngành khác, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong những năm qua cả về giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ngành chế biến gỗ đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Ngành chế biến gỗ cũng là một trong số các ngành của nước ta nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài, chế biến tạo ra giá trị gia tăng và xuất khẩu nên ngành này cũng có nhiều đóng góp cho cân bằng cán cân thanh toán quốc tế của nước ta.
Với gần 4.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và đã hình thành các Trung tâm chế biến gỗ tại Bình Dương và Bình Định, các doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta đã chiếm lĩnh khá tốt thị trường, thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng đã mở rộng ra hơn 100 nước trên thế giới. Năm 2014, ngành gỗ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 6,23 tỷ USD. Năm 2015, các doanh nghiệp ngành gỗ phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7 tỷ USD. Tôi cho rằng mục tiêu này là hoàn toàn khả thi bởi đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2016.
Cùng với nhu cầu về các sản phẩm gỗ của nhiều nước trên thế giới tăng cao, nhiều hiệp định tự do thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết sẽ tạo thêm cơ hội, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi cho rằng, ngành gỗ sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Không những vậy, thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng tốt khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trong nước không ngừng gia tăng.
– Vậy, đâu là những khó năm mà trong năm 2015 các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt và vượt qua, thưa ông?
Mặc dù ngành gỗ Việt đã có nhiều khởi sắc, song trong thời gian tới, ngành hàng này sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Thị trường EU chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam và khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khi đó, doanh nghiệp trong ngành cần phải quy trình hóa chuỗi cung ứng, yêu cầu trình độ quản trị, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ cao hơn để chứng minh nguồn gốc gỗ xuất sang các nước thành viên EU là hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của VPA/FLEGT.
Trên thực tế, phần lớn gỗ nguyên liệu của nước ta lại được nhập từ nhiều quốc gia trên thế giới với mức độ rủi ro về khai thác gỗ bất hợp pháp khác nhau. Nếu khi hiệp định VPA/FLEGT được ký kết và có hiệu lực thì doanh nghiệp phải khắt khe trong chọn lựa nguồn gỗ, quốc gia để nhập khẩu nguyên liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định này. Đây có thể là yếu tố sẽ làm giá gỗ nguyên liệu tăng, đẩy giá thành lên cao hơn và các doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh về giá so các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan… Ngoài ra, đối với nguyên liệu gỗ rừng trồng ở trong nước về mặt lý thuyết là gỗ hợp pháp nhưng việc thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính…để chứng minh là gỗ hợp pháp không hề đơn giản trong bối cảnh việc thực hiện thủ tục hành chính, thực thi các chính sách của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Mặc khác, khi thực hiện hiệp định VPA/PLEGT, cấp phép FLEGT có thể gia làm tăng thủ tục, thời gian xuất khẩu cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU. Việc thuận lợi hóa trong cấp phép FLEGT về cơ quan cấp, quy trình, thủ tục… là những vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm, quan ngại mà chúng tôi ghi nhận được trong các cuộc khảo sát, hội thảo, tiếp xúc với doanh nghiệp…
Một khó khăn nữa đó là, tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu, mà phần lớn là gia công theo đơn đặt hàng với thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế, xây dựng thương hiệu và có thể tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả xuất khẩu. Đa phần các doanh nghiệp còn lại chưa có được sự đầu tư về công nghệ, thiết bị chế biến để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thêm nữa, phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa (50%), được phát triển từ mô hình sản xuất nhỏ kiểu hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác… có nhiều hạn chế về năng lực quản trị, thiết bị, công nghệ, tính liên kết của các doanh nghiệp lại hạn chế. Với quy mô này, các doanh nghiệp rất khó thực hiện được các hợp đồng lớn của nước ngoài nên chủ yếu vẫn là gia công và chưa thể xây dựng được thương hiệu cho mình.
– Ông có nói đến Hiệp định VPA/FLEGT, dự kiến sẽ kết thúc đàm phán và ký kết vào cuối năm 2015. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam, thưa ông?
Rõ ràng là cơ hội hội luôn đi kèm với thách thức, ngoài những thách thức như tôi đã đề cập ở trên thì có thể nói rằng, khi VPA/FLEGT được ký kết thì việc kiểm soát gỗ của Việt Nam được tăng cường. Cùng với đó, khi các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của VPA/FLEGT thì xuất khẩu gỗ từ Việt Nam vào các nước nước EU sẽ có nhiều lợi thế hơn trong mở rộng thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Một khi sản phẩm gỗ Việt đã định vị được tại thị trường EU với các yêu cầu, thủ tục khắt khe hơn thì các thị trường khác trên thế giới cũng sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ Việt Nam, nhờ đó giúp nâng cao uy tín cũng như cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gỗ Việt vào các thị trường này trong thời gian đến cũng rõ ràng hơn.
EU là thị trường lớn thứ tư chiếm 15,4 % (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) do vậy tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào EU còn rất lớn khi VPA/FLEGT được ký kết. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt có lợi thế khi xuất khẩu sang EU do không phải giải trình theo quy chế EUTR 995 của EU so với những doanh nghiệp ở những quốc gia chưa ký hiệp định này.
Điều quan trọng nhất đó là, khi đã có giấy phép FLEGT, sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào EU sẽ tránh được các rủi ro pháp lý so với hiện nay; đồng thời gia tăng cơ hội mở rộng thị trường hơn nữa tại các thị trường khó tính.
– Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thay đổi tích cực trong những năm vừa qua. Nhưng để có thể phát triển bền vững hơn, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
Theo chiến lược phát triển tổng thể ngành chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2015 ngành gỗ phải đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD và năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu phát triển nói trên, theo tôi ngành chế biến gỗ Việt Nam cần phải xây dựng cho mình những bước đi phù hợp.
Trước hết, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tăng cường nhận thức, cập nhật về Hiệp định VPA/FLEGT, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với doanh nghiệp cung ứng gỗ, trồng rừng để xây dựng chuỗi cung ứng nhằm chủ động nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của VPA/FLEGT. Song song với đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần hoàn thiện chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp các nước xuất khẩu nguyên liệu có mức độ rủi ro thấp về khai thác gỗ bất hợp pháp để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành gỗ trong thời gian tới.
Để có một chiến lược phát triển ngành gỗ lâu dài, nhà nước cũng cần có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; tiếp tục ban hành, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng, để trồng và khai thác rừng hợp pháp cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ trồng rừng; hỗ trợ người trồng rừng, doanh nghiệp trồng rừng thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm chứng minh tính hợp pháp của gỗ rừng trồng…
Ngoài ra, nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế biến gỗ gỗ trong tiếp cận vốn, thị trường, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động và tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành chế biến gỗ ở cấp quốc gia, địa phương để triển khai các chương trình hỗ trợ, đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.
Và, điều chính yếu nhất là các doanh nghiệp chế biến gỗ phải nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng suất lao động…nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể vượt qua những thách thức và tận dụng tốt những cơ hội do các hiệp định thương tư do thế hệ mới mang lại.