(Dogo24h.vn) - Hà Bá được miêu tả như một vị thần có quyền lực lớn, cai quản các sông ngòi và nguồn nước. Là vị thần có thể mang lại cả may mắn lẫn tai họa cho người dân sống ven sông
Hà Bá Là Gì?
Dân gian người Việt có câu "đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Nếu như Thổ Công là vị thần cai quản, bảo vệ nhà cửa, giữ gìn sự an toàn và bình yên cho gia đình, thì Hà Bá được miêu tả như một vị thần có quyền lực lớn, cai quản các sông ngòi và nguồn nước. Là vị thần có thể mang lại cả may mắn lẫn tai họa cho người dân sống ven sông.
Hà Bá được miêu tả như một vị thần có quyền lực lớn, cai quản các sông ngòi và nguồn nước
Tùy vào các vùng miền sẽ có cái nhìn khác nhau về vị thần Hà Bá, một số vùng miền Hà Bá được coi là ác thần, thường gieo rắc tai họa của những làng chài ven sông khiến con người nơi đây khiếp sợ. Vậy nên ở các vùng giáp với sông nước hoặc những làng trài sống trên sông người ta thường lập đền thờ Hà Bá để không bị quấy phá cũng như mong ngài che trở mang lại bình yên.
Vào những dịp lễ hội hoặc khi cần cầu an, người dân thường tổ chức các nghi lễ cúng bái để tỏ lòng thành kính và xin thần phù hộ với Hà Bá. Một trong những nghi lễ phổ biến là lễ "hát ống" hay "hát sông", nơi người ta hát những bài ca ngợi thần Hà Bá và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nước sông yên bình.
Những Tín ngưỡng thờ cúng Hà Bá
Đối với ngư dân và những người làm nghề sông nước những người “lấy ghe làm nhà”, lấy “sông nước làm quê hương”, những người đi ghe thuyền, tàu bè đều có chung một tín ngưỡng là thờ Thủy Thần như Cá Ông, Bà Cậu, Quan Âm Nam Hải.
Hình ảnh thờ cúng Cá Ông ở các các làng trài vùng ven biển
Đối với các ngư dân vùng ven biển và các đảo thì tín ngưỡng dân gian khá phổ biến là thờ cúng Cá Ông, hầu hết các làng chài đều có lăng miếu thờ cá ông hay cá voi, còn gọi là “Nam hải đại tướng quân”. Nghi thức nghinh cá Ông là rước linh vị Cá Ông diễn ra rất long trọng trên tàu ghe. Với ý nghĩa thể hiện lòng tri ân và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, xóm làng sung túc, người ra khơi bình yên trở về, đánh bắt được nhiều cá tôm.
Ngư dân và người đi sông đi biển ĐBSCL thờ cúng Cá Ông, Bà Cậu và các nữ thần có liên quan đến vùng biển như Thủy Long Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Hòn, Thiên Hậu Thánh Mẫu tức nữ thần biển.
Thiên Hậu Thánh Mẫu nữ thần biển giúp người đi biển gặp mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, người ra khơi bình yên trở về
Một số nơi như Đồng Tháp, Bến Tre hiện có miếu thờ Bà Thủy, tên là miếu Bà An Thạnh, được dân làng tôn kính và sùng bái.
Thờ cúng Bà - Cậu: Đây là tín ngưỡng phổ biến nhất của những người làm nghề hạ bạc và giới thương hồ ở Nam bộ. Hầu hết các ghe xuồng, tàu bè đều có bàn thờ Bà Cậu với những kiêng kỵ, cúng kiếng thật chu đáo.
Thờ cúng Bà - Cậu ở Nam bộ
Thờ cúng Quan Âm Nam Hải: Quan Âm Nam Hải là điểm tựa tâm linh của ngư dân, của những người đi sông đi biển. Theo tín ngưỡng dân gian, Phật Quan Âm mặt nhìn ra khơi luôn ứng hiện để cứu độ dân lành và giúp mọi người hướng thiện, có lòng thành vượt qua những khổ ải trầm luân.
Quan Âm Nam Hải là điểm tựa tâm linh của ngư dân, của những người đi sông đi biển
Hàng năm, thợ đóng ghe xuồng thường cúng Tổ vào ngày ngày 13 tháng 6 và 20 tháng Chạp. Đối với các chủ ghe thì cúng Bà Cậu vào ngày 14 và 23 hàng tháng.
Ngoài các tín ngưỡng trên, ngư dân còn thờ cúng cô hồn và cúng người tử nạn trên sông nước, ngày cúng cô hồn vào ngày mùng 2 và 16.
Những người đi sông, đi biển rất kiêng cử những lời độc địa chua cay, quái gở, đồng thời tránh dùng những tiếng úp, lật, rơi, rớt, đổ, ngã, sẩy, trở, lăn, té, nhào.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn bổ sung vào vốn kiến thức và hiểu biết về những tập tục, quan niệm dân gian của con người và từng địa phương trong nước, giúp bạn có thể tránh được những điều kiêng kị của từng vùng miền khi bạn có dịp đi làm việc, khám phá hoặc du lịch vào những địa phương, vùng miền đó.