Với diện tích đất tự nhiên 17.104,6ha; trong đó, đất canh tác trồng trọt là 11.329,9ha chiếm 66,24%; đất ở 1.120,9ha chiếm 6,95%; đất chuyên dùng chiếm 3.235,9ha chiếm 18,92%; còn lại là đất chưa sử dụng. Trước đây Phú Xuyên là vùng đất trũng, có cốt đất thấp so với một số đơn vị lân cận, phía Đông cao hơn phía Tây, nên về mùa mưa bão hay bị ngập úng, lụt lội. Một số xã giáp sông Hồng có đất pha cát, còn gọi là đất màu, diện tích khoảng 2000ha.
Trên địa bàn huyện có trên 30km sông chảy qua đó là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Lương, sông Vân Đình. Phú Xuyên cũng có hệ thống giao thông rất thuận lợi, có tuyến đường sắt Bắc-Nam dài gần 12km chạy qua, tuyến đường thủy sông Hồng dài 17km, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dài 7km, điểm đầu đường Cầu Giẽ-Ninh Bình, đường Quốc lộ 1A dài 12km trên địa bàn huyện, đó là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội của Phú Xuyên.
Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu được sử dụng kết hợp đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, có 43 trạm bơm trực tiếp đổ nước ra sông Nhuệ tiêu úng cho các xã phía Tây; trạm bơm Khai Thái công suất 25000m3/giờ, bơm nước ra sông Hồng tiêu úng cho diện tích 4.200ha phía Đông, ngoài ra có trạm bơm Thụy Phú lấy nước sông Hồng để cấp nước tưới cho các xã miền Đông.
Phú Xuyên có dân số gần 20 vạn người, tỷ lệ người lao động trong khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm 60% tổng số lao động; bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 2000 lao động.
Về giáo dục-đào tạo: trên địa bàn huyện có một trường trung cấp nghề và một trường Cao đẳng nghề, hàng năm đào tạo khoảng trên 1000 học viên với các ngành nghề đa dạng, phong phú.
Về y tế: có 01 bệnh viện cấp huyện nay đang được nâng cấp thành bệnh viện tuyến vùng, giải quyết ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Về kinh tế: Phú Xuyên có tiềm năng đất đai trù phú và nguồn lao động dồi dào. Về nông nghiệp, miền Đông huyện chiếm 17,4% diện tích đất canh tác, là vùng đất bãi phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi; miền Tây huyện với hơn 60% diện tích canh tác là vựa lúa quan trọng của Thủ đô, có khả năng lớn về nuôi cá nước ngọt, các loại gia cầm, gia súc.
Bên cạnh đó, Phú Xuyên cũng là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ kim khí Đại Thắng được bày bán ở nhiều các quận nội thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trên cả nước. Sản phẩm mây giang đan, cỏ tế Phú Túc được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Kinh tế từ tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người nông dân, ổn định tình hình chính trị ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn huyện có 37 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp thành phố trong số 98/138 làng của toàn huyện có nghề (bằng 71%). Sản phẩm của các nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Bộ mặt nông thôn Phú Xuyên từng bước phát triển, nông nghiệp chuyển từ sản xuất một vụ lúa sang hai vụ nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống tưới tiêu hợp lý, tăng năng suất trên 12 tạ/ ha/ năm, vụ Đông Xuân đã trở thành vụ sản xuất chính, thu hoạch mỗi năm trên 100 tỷ đồng.
Công tác dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung bước đầu cho hiệu quả thu nhập khá. Kinh tế trang trại được quan tâm, bước đầu mang lại giá trị thu nhập cho hộ chăn nuôi: mô hình cá rô đồng, trắm ốc, cá lóc bông, ba ba, cá sấu và một số mô hình khuyến nông khác.
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung; các ngành, nghề truyền thống được duy trì, phát triển, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới; hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi được nâng cấp, xây dựng từng bước đáp ứng, xứng tầm là một huyện ven đô.
Công tác xây dựng các cụm, điểm công nghiệp được xác định là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Huyện đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn I Khu Công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội, thuộc địa phận xã Đại Xuyên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, vùng rau an toàn, rau sạch, quy hoạch thủy lợi nội đồng, quy hoạch 2 thị trấn.
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, giới thiệu, quảng bá rộng rãi; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ổn định, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 giai đoạn 2011 đến năm 2015 đề ra:
- Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 12%;
- Cơ cấu kinh tế: công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng cơ bản: 40%; thương mại- dịch vụ- du lịch: 34%; nông nghiệp: 26%.
Làng nghề Đại Nghiệp là một làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống có từ lâu đời. Nguyên tên cũ là làng Già Cầu, sau đổi thành làng Tre. Từ năm 1948, làng có tên hành chính là thôn Đại Nghiệp, còn gọi là làng Đại Nghiệp. Tuy nhiên, cư dân vẫn quen gọi là làng Tre.
Trong làng vẫn còn nhiều di tích cổ như đình làng, Đình Trong, chùa cổ, miếu thờ Thành hoàng, giếng Cầu Bà, lăng thờ Đô đốc Uẩn Nghĩa hầu, Tổng thái giám, Đô chỉ huy sứ, đại tướng quân Nguyễn Hoàng Lộc (dân gian gọi là Lăng cụ Quan Lớn họ Nguyễn Xuân), các nhà thờ họ Phan, họ Nguyễn Xuân, họ Hoàng, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Thế,...
Làng có khoảng 3.000 nhân khẩu. Khoảng 90% hộ gia đình làm nghề mộc mỹ nghệ với các sản phẩm đồ gỗ với độ tinh xảo cao.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/ người/ năm trở lên;
- Phấn đấu có 15 xã đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Cùng với quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch vùng, đến 2015 và những năm tiếp theo, Phú Xuyên trở thành chuỗi đô thị vệ tinh quan trọng kết nối với đô thị trung tâm. Mặt khác, nếu được tiếp nhận các trường đại học, các bệnh viện lớn, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch chuyển dịch từ nội thành sẽ tạo ra diện mạo mới cho Phú Xuyên phát triển nhanh, bền vững trong tiến trình đổi mới đất nước.
Phú Xuyên, con sông giàu có mà tổ tiên xưa chọn chữ đặt tên này là mảnh đất trù phú, từ thiên nhiên, thổ nhưỡng, địa lý, địa hình đến con người và văn hóa nơi đây…tất cả đều lôi cuốn, hấp dẫn các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước. Đây là mảnh đất hứa hẹn tiềm năng phát triển cho những ai biết tìm về.